HÀ NỘI – 21/6/2025 | Vòng chung kết cuộc thi “Sustainable Business Model 2025” thuộc khuôn khổ dự án “Dấu chân Di sản” đã chính thức khép lại sau một buổi chiều tranh tài kịch tính tại Viện Việt Nam học & Khoa học Phát triển (ĐHQG Hà Nội). 11 đội thi xuất sắc nhất từ khắp cả nước đã mang tới những mô hình kinh doanh sáng tạo, thực tiễn và giàu bản sắc nhằm giải quyết bài toán phát triển làng nghề trong thời đại mới.
Từ sân chơi sáng tạo đến hành trình kết nối di sản và khởi nghiệp
“Sustainable Business Model 2025” là mùa thi thứ hai thuộc dự án “Dấu chân Di sản” do UniPath Training phối hợp với Viện Việt Nam học & KHPT – ĐHQGHN, Trường Đại học SolBridge (Hàn Quốc) cùng nhiều đối tác văn hóa và giáo dục tổ chức. Dự án nhằm tạo ra một diễn đàn học thuật – thực tiễn cho học sinh, sinh viên từ 14–22 tuổi xây dựng các mô hình kinh doanh gắn với làng nghề truyền thống, trên nền tảng tư duy khởi nghiệp bền vững Entrepreneur Mindset) và thiết kế sáng tạo (Design Thinking).
Sau hơn 6 tuần đào tạo chuyên sâu, 25 đội thi đã bước vào vòng bán kết. Tại đây, các bạn học sinh, sinh viên đã trình bày ý tưởng kinh doanh trước hội đồng chuyên môn theo hình thức trực tuyến. Ban giám khảo đã chọn ra 11 đội thi xuất sắc nhất bước tiếp vào vòng chung kết, tổ chức trực tiếp tại Hà Nội.
Đảm nhận vai trò “cầm cân nảy mực” là hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa và khởi nghiệp:
- Tiến sĩ Vũ Kim Chi – Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học & Khoa học Phát triển – ĐHQGHN
- Bà Hoàng Hằng – CEO UniPath Training
- Thầy Johnny Hải Lê – Giám đốc tuyển sinh Trường Đại học SolBridge tại Việt Nam
Bên cạnh việc chấm điểm theo bốn tiêu chí chính: sáng tạo – tính ứng dụng – phản biện – trình bày, Ban Giám khảo cũng tham gia phản biện trực tiếp, đưa ra những câu hỏi thực tế nhằm đánh giá năng lực lập luận, tư duy mô hình và sự hiểu biết sâu sắc của các đội thi về thị trường, văn hóa và kỹ thuật. Cách làm này giúp đảm bảo kết quả chung cuộc không chỉ công tâm, mà còn mang giá trị chuyên môn và định hướng phát triển thực tế.
11 đội tranh tài với những giải pháp sáng tạo và thiết thực
Danh sách các đội lọt vào chung kết bao gồm:
- SAFEMATE – Mô hình mũ bảo hộ sinh học làm từ nhựa Bio-PLA kết hợp khung tre truyền thống. Sản phẩm có khả năng phân hủy sinh học, vừa đảm bảo an toàn lao động, vừa góp phần gìn giữ nghề thủ công tre truyền thống tại các làng nghề như Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Ninh.
- Tranh Đông Hồ trên vải – Dự án ứng dụng tranh dân gian Đông Hồ lên vải tái chế thông qua kỹ thuật in block truyền thống. Các sản phẩm như túi vải, khăn tay, áo sơ mi mang tính thẩm mỹ cao, góp phần đưa di sản mỹ thuật vào đời sống hiện đại, hướng tới phân khúc thời trang nghệ thuật.
- Bahnar Bloom – Một mô hình du lịch trải nghiệm tại làng Bahnar (Kon K’tu, Tây Nguyên), nơi du khách không chỉ tham quan mà còn sống cùng người dân bản địa: dệt vải, nghe chuyện cổ tích qua app dịch ngôn ngữ Bahnar, và lưu trú tại nhà sàn. Dự án đề cao yếu tố sống chậm, du lịch văn hóa và bền vững, kết hợp công nghệ và bảo tồn.
- Mắt Biếc – Thương hiệu kính mắt “KHẢM” chế tác từ gỗ tự nhiên và khảm trai thủ công làng Chuôn Ngọ. Sản phẩm kết hợp tính thẩm mỹ cao, giá trị truyền thống và ứng dụng hiện đại (tròng chống ánh sáng xanh, thiết kế thời trang).
- AgaKing – Thương hiệu trầm hương tích hợp charm phong thủy thiết kế riêng theo mệnh, ứng dụng thương mại điện tử. Kết hợp giữa yếu tố tâm linh – văn hóa – cá nhân hóa, sản phẩm phù hợp với phân khúc quà tặng và thời trang phong cách sống.
- Điều FOAM – Dự án sản xuất mút sinh học từ vỏ hạt điều. Sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể thay thế mút PU/PE trong cách âm, cách nhiệt, đóng gói. Dự án tận dụng phế phẩm nông nghiệp, hướng đến sản xuất xanh, tiết kiệm chi phí và có khả năng thương mại hóa
- Vụn Vàng – Dự án làm đồ lưu niệm từ rơm rạ, trấu, tre nứa – những vật liệu tưởng chừng bỏ đi – kết hợp tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Lào Cai. Sản phẩm hướng đến thị trường du lịch, khuyến khích sản xuất tại chỗ và bảo tồn nghề thủ công vùng cao.
- VN Culture Hub – Ứng dụng du lịch số hóa bằng AR/VR, cung cấp trải nghiệm khám phá di sản Việt Nam thông qua hình ảnh, âm thanh, câu chuyện kể. Nhắm tới thế hệ trẻ, ứng dụng giúp đưa văn hóa truyền thống gần hơn với công nghệ hiện đại.
- Mộc Âm – Vật liệu cách âm và cách nhiệt từ xơ ngô, bã mía, vỏ dứa… phù hợp cho không gian sống xanh, nhà ở, café, studio. Dự án kết hợp nghiên cứu vật liệu, bảo vệ môi trường và phát triển ngành xây dựng thân thiện.
- Chiềng Làng Chiềng Chạ – Doanh nghiệp trung gian hỗ trợ làng nghề dân tộc thiểu số qua dịch vụ pháp lý, tiêu chuẩn hóa, truyền thông sản phẩm. Gìn giữ nghề thủ công bằng cách đưa di sản tiếp cận thị trường hiện đại.
- Hương Dược – Sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thảo dược truyền thống tại xã Đồng Tiến (Thái Nguyên): gối ngủ, mặt nạ mắt, đệm chườm nóng. Sản phẩm tích hợp giữa giá trị y học cổ truyền và nhu cầu hiện đại, hướng đến khách hàng văn phòng và trung niên, đồng thời hỗ trợ duy trì nghề thủ công tại địa phương.
Mỗi đội có 10 phút thuyết trình và phản biện trước hội đồng giám khảo, với tiêu chí chấm điểm xoay quanh: tính sáng tạo, khả năng ứng dụng, lập luận phản biện và chất lượng trình bày.
🥇 SafeMate – Giải Nhất: Mũ bảo hộ sinh học từ tre và nhựa Bio-PLA
SafeMate là một giải pháp đổi mới cho ngành thiết bị bảo hộ, khi sản phẩm mũ bảo hộ được thiết kế theo hướng toàn diện về an toàn cho cả con người và môi trường.
Chiếc mũ được cấu tạo từ:
- Nhựa sinh học Bio-PLA: loại vật liệu có nguồn gốc từ tinh bột bắp và mía, có khả năng phân hủy sinh học tự nhiên, an toàn cho người sử dụng.
- Khung tre tầm vông: được uốn cong thủ công, xử lý bằng muối borax và sấy lò công nghiệp để đạt chuẩn độ bền, nhẹ, kháng khuẩn và hoàn toàn không gây độc hại.
Sản phẩm có lớp vỏ ngoài được phủ PLA ép nhiệt tạo độ cứng, chống thấm nước, và vẫn đảm bảo độ thông thoáng cho da đầu. Tính thẩm mỹ cũng được cân nhắc kỹ lưỡng, với thiết kế tối giản, hiện đại, dễ cá nhân hóa theo từng nhóm ngành nghề.
Điểm đặc biệt ở SafeMate không chỉ nằm ở chất liệu, mà còn ở triết lý thiết kế có trách nhiệm: sử dụng nguyên liệu bản địa kết hợp công nghệ mới với kỹ thuật làng nghề truyền thống, tạo ra sản phẩm thực sự “có hồn”, có giá trị thương mại và khả năng sản xuất quy mô lớn. Dự án còn đề xuất phương án hợp tác với các hợp tác xã trồng tre và tổ chức đào tạo nghề tại địa phương, hướng đến chuỗi sản xuất khép kín – xanh – bền vững.
Ban Giám khảo đánh giá đây là mô hình tiêu biểu về đổi mới sáng tạo gắn với phát triển bền vững, hội tụ đầy đủ các yếu tố công nghệ, văn hóa, môi trường và khả năng thương mại hóa thực tế. SafeMate không chỉ giải quyết vấn đề kỹ thuật, mà còn đặt ra một tư duy hệ sinh thái cho sản phẩm bảo hộ ngành nghề trong tương lai.
🥈 Tranh Đông Hồ trên vải – Giải Nhì: Đưa tranh dân gian lên thời trang ứng dụng
Dự án Tranh Đông Hồ trên vải sử dụng kỹ thuật in khắc gỗ truyền thống (block printing) để đưa nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ vào các sản phẩm thời trang và thủ công mỹ nghệ hiện đại. Đây là hướng tiếp cận sáng tạo nhằm góp phần hồi sinh làng nghề Đông Hồ – một di sản văn hóa đặc sắc đang dần mai một.
Nhóm sử dụng chất liệu vải tre, vải tái chế thân thiện với môi trường để in lên các hình tượng dân gian như Lợn đàn, Gà mẹ, Đám cưới chuột… từ đó tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao như áo sơ mi, túi vải, khăn tay, phụ kiện nội thất.
Không dừng lại ở thẩm mỹ, dự án còn có định hướng truyền thông rõ ràng tới cộng đồng trẻ yêu môi trường và văn hóa, xây dựng thương hiệu dựa trên hoạt động workshop, kể chuyện văn hóa, và hợp tác trực tiếp với nghệ nhân làng tranh.
Dự án được đánh giá cao vì đã tạo ra một cầu nối giữa nghệ thuật truyền thống và nhu cầu tiêu dùng xanh, mang đến thu nhập bền vững cho nghệ nhân và góp phần duy trì tinh thần nghề xưa bằng giải pháp hiện đại.
🥉 Vụn Vàng – Giải Ba: Quà lưu niệm từ phụ phẩm nông nghiệp, mang bản sắc vùng cao
Vụn Vàng là một dự án xã hội phát triển từ vùng cao Lào Cai, tập trung vào việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, vỏ trấu, tre nứa… để tạo ra các sản phẩm lưu niệm có tính văn hóa và thân thiện với môi trường.
Dự án hướng đến hai mục tiêu chính: giảm thiểu rác thải nông nghiệp và tạo việc làm cho phụ nữ, thanh niên dân tộc thiểu số thông qua mô hình tổ hợp tác nhỏ. Các sản phẩm như móc khóa, đế lót ly, túi thơm được thiết kế tối giản, dễ vận chuyển, phù hợp làm quà tặng du lịch. Ngoài hoạt động sản xuất, Vụn Vàng cũng xây dựng kế hoạch phát triển các workshop thủ công, gian hàng trưng bày và nền tảng bán hàng trực tuyến, tạo thêm không gian trải nghiệm cho du khách và mở rộng thị trường tiếp cận.
Dù đang ở giai đoạn phát triển ý tưởng, dự án đã cho thấy tiềm năng đóng góp vào xu hướng du lịch bền vững, đồng thời truyền cảm hứng cho mô hình khởi nghiệp xanh dựa trên nền tảng di sản làng nghề bản địa.
Năm giải phụ tôn vinh những điểm sáng khác biệt
Ngoài các giải chính, Ban tổ chức còn trao 5 giải phụ:
- Dự án Sáng tạo: Điều FOAM – mút sinh học từ vỏ điều
- Dự án Triển vọng: Mắt Biếc – kính thời trang từ vật liệu sinh học
- Dự án Kinh tế số: AgaKing – thương hiệu trầm hương số hóa
- Dự án Bền vững: Mộc Âm – vật liệu cách âm từ phế phẩm nông nghiệp
- Dự án Cộng đồng: VN Culture Hub – ứng dụng trải nghiệm du lịch văn hóa bằng công nghệ AR/VR
Tất cả đội đạt giải đều nhận được chứng nhận từ Viện Việt Nam học, SolBridge, Hiệp hội Văn hóa Dân gian Việt – Pháp; học bổng du học lên tới 30.000 USD; voucher học tập và cơ hội trưng bày sản phẩm tại Marseille International Fair 2025 (Pháp).
Định hình thế hệ trẻ “làm kinh tế từ di sản”
Phát biểu bế mạc, đại diện Ban tổ chức khẳng định:
“Dấu chân Di sản không chỉ là một dự án giáo dục mà là một tuyên ngôn văn hóa. Khi người trẻ nhìn về làng nghề không chỉ với lòng tự hào mà còn bằng tư duy khởi nghiệp, đó là lúc di sản thực sự sống dậy.”
Vòng chung kết của “Sustainable Business Model 2025” đã để lại nhiều dấu ấn chuyên môn và cảm xúc. Trên hết, đó là minh chứng rằng: thế hệ trẻ Việt Nam không chỉ biết gìn giữ quá khứ, mà còn sẵn sàng kiến tạo tương lai cho di sản theo cách của thời đại mới.